Quỹ Hỗ trợ nông dân đã tạo điều kiện giúp nhiều hội viên nông dân mở rộng quy mô kinh tế, nầng cao thu nhập. Tuy nhiên, phần lớn các hội viên nông dân đều có mong muốn được nâng mức cho vay, kéo dài thời hạn cho vay kéo dài thời hạn vay để người dân kịp xoay vòng vốn...
Ăn nên làm ra nhờ Quỹ hỗ trợ nông dân
Những năm gần đây, đời sống của gia đình ông Trần Đức Tâm (thôn Lan Đình, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) đã có sự thay đổi rõ rệt nhờ chuyển đổi sang nghề trồng dâu nuôi tằm. Hiện nhà ông có 2 mẫu trồng dâu với 2 sàn nuôi tằm quy mô lớn, mỗi năm cho thu hoạch gần 1,5 tấn kén, đem lại thu nhập gần 200 triệu đồng.
Ông Tâm cho biết thêm: "Cũng may là có nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền vay 50 triệu, gia đình tôi đã có thêm nguồn vốn để mở rộng diện tích trồng dâu và sàn nuôi tằm nên mọi chuyện đã khác so với hơn chục năm trước".
Từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình ông Trần Đức Tâm đã có thêm điều kiện để đầu tư sàn phát triển chăn nuôi tằm. Ảnh: Hoàng Hữu.
Cũng như ông Tâm, thấy được hiệu quả kinh tế cao từ việc trồng dâu, nuôi tằm, gia đình chị Nguyễn Hồng Quế (thôn Trúc Đình, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) cũng đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa và đất soi bãi sang trồng dâu. Ngoài ra gia đình còn thuê thêm đất của các hộ dân trong xã để trồng dâu. Đến nay, với diện tích trồng dâu lên tới hơn 1ha, trừ hết chi phí, gia đình thu về khoảng 150 triệu đồng/năm.
Theo ông Vũ Viết Đồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Việt Thành, nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân là niềm vui đối với các hội viên nông dân. Tuy nguồn vốn chỉ dao động từ 30 - 50 triệu đồng/hộ nhưng đã tạo thêm động lực, thêm thắt vào các nguồn vốn vay khác để người nông dân mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, máy móc, diện tích để cải thiện đời sống, phát triển kinh tế.
"Cũng nhờ một phần vào nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân nên đời sống người dân tăng lên khá rõ rệt, nhà cửa được chỉnh trang. Trong xã đã có rất nhiều nhà xây, nhà sạch, vườn đẹp" - Chủ tịch Hội Nông dân xã Việt Thành chia sẻ.