Qua 02 năm thực hiện Chương trình Hỗ trợ sản xuất rừng và trang trại (FFF), Hội ND đã phát huy những lợi thế hiện có của mình để chủ động thực hiện và thúc đẩy việc thực hiện các bước nhằm hỗ trợ Các tổ chức của người sản xuất rừng và trang trại (FFPO).
Hội nghị bàn tròn cấp xã - một trong các hoạt động của FFF tại Yên Bái
Với một bộ máy hoạt động từ Trung ương tới 10,536 cơ sở hội và 95,246 chi hội, các cán bộ của Hội nông dân cấp huyện, xã, thôn khi được nâng cao năng lực là những thúc đẩy viên gần gũi nhất với các FFPO bởi họ cũng là những người nông dân sống tại thôn, xã đó và hiểu rõ nhất những khó khăn mà các FFPO đang gặp phải. Sau khi kết thúc dự án, đây cũng là lực lượng được kỳ vọng sẽ giúp tiếp tục duy trì các kết quả của dự án ngay cả khi không còn các nguồn tài trợ.
Hội ND đã huy động được sự tham gia của chính quyền các cấp và các Sở ngành liên quan vào các hội nghị bàn tròn từ cấp xã, huyện, tỉnh và Trung ương để thảo luận, tìm giải pháp cho các khó khăn của các FFPO ở hai tỉnh Yên Bái, Bắc Kạn như: Chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có đường lâm nghiệp, khó khăn trong đăng ký kinh doanh của tổ hợp tác, hợp tác xã, thiếu vốn đầu tư máy móc, khoa học kỹ thuật hạn chế, thủ tục cấp phép khai thác gỗ phức tạp v.v... Hội ND cũng đã gửi trực tiếp 8 đề xuất tới các cơ quan, chính quyền địa phương và Tổng cục Lâm nghiệp để tạo một môi trường chính sách thuận lợi cho các tổ chức của người trồng rừng và sản xuất trang trại hiệu quả hơn và chủ động tham gia vào quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004.
Mặt khác, thông qua các bản tin, website, các sổ tay chính sách và các kênh truyền thông khác, Hội ND các cấp đã giúp phổ biến và cập nhật cho người nông dân các các thông tin chính sách của Đảng và Nhà nước, giúp họ hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ của mình.
Trong khuôn khổ chương trình FFF, Hội Nông dân Bắc Kạn đã xây dựng được mạng lưới chia sẻ thông tin giữa các FFPO với các Sở ngành liên quan như Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Trung tâm khuyến công, chi cục Lâm nghiệp và qua các hội nghị bàn tròn ở cấp huyện, tỉnh đã huy động được sự hỗ trợ của các đơn vị này. Ví dụ: Sở NN&PTNT sẽ cung cấp các hướng dẫn thủ tục cấp phép khai thác gỗ vườn tạp, hướng dẫn kỹ thuật bảo quản hoa hồi cho tổ hợp tác (THT) Thạch Ngõa; Sở Công thương cam kết hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm của các THT và hỗ trợ 50% chi phí đào tạo, mua máy móc thiết bị; Sở Khoa học Công nghệ hỗ trợ cây giống và quy trình trồng ba kích tím để gia tăng thu nhập cho các hộ và Liên minh Hợp tác xã sẽ hỗ trợ tuyên truyền luật Hợp tác xã 2012 tới các thôn và xây dựng các mô hình kinh tế tập thể thành công. Đây là những hoạt động phối hợp rất cần thiết để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho các FFPO.
Ngoài ra, Hội ND còn tổ chức được nhiều hội thảo, hội nghị bàn tròn kết nối với các bên và tạo cơ hội để các FFPO đối thoại chính sách với chính quyền địa phương. Theo đánh giá của các bên tham gia, đây là những hoạt động rất ý nghĩa, thiết thực, nhiều vấn đề khó khăn của nông dân đã được giải quyết thông qua các hội nghị bàn tròn. Đây là hoạt động cần được nghiên cứu để lồng ghép vào các hoạt động thường xuyên của Hội để có thể tiếp tục được tổ chức ngay cả khi dự án kết thúc.
Thời gian tới, với tư cách là tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người nông dân, các cán bộ Hội ND các cấp cần bám sát tình hình thực tế hơn nữa để hiểu rõ những mong muốn hỗ trợ của nông dân và từ đó có thể cung cấp các dịch vụ họ cần, kết nối với doanh nghiệp và các bên liên quan khác, vận động những chính sách hỗ trợ phù hợp và thiết thực cho tổ chức nông dân ở cơ sở nói chung và cho các tổ chức người sản xuất rừng và trang trại nói riêng.
Lê Thị Thanh Thủy, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN)