FFF: Mang lại lợi ích kép cho nông dân
27/07/2017 1:00:00 CH
Sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại do Hội NDVN triển khai tại Yên Bái, Bắc Kạn, các tổ chức sản xuất rừng và trang trại đã thấy lợi ích làm việc theo nhóm, biết cách đàm phán giá cả, góp vốn đầu tư vào chế biến để gia tăng giá trị và thu nhập từ rừng, chủ động trong trồng và quản lý rừng bền vững.
|
Nông dân, cán bộ Hội được tham gia các khóa tập huấn nâng cao năng lực |
Kết quả đợt khảo sát, điều tra tại hai tỉnh Yên Bái và Bắc Kạn tháng 3 năm 2015 cho thấy hầu hết các tổ chức sản xuất rừng và trang trại (THT, HTX) tại hai tỉnh Yên Bái và Bắc Kạn đều ở giai đoạn sơ khai của phát triển tổ chức.
Nông dân chủ yếu hoạt động thông qua hình thức đổi công, chưa cùng nhau kinh doanh và trình độ, kỹ năng quản lý nhóm còn rất hạn chế. Sản xuất và bán sản phẩm đơn lẻ, không có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các thông tin thị trường đều phụ thuộc vào tư thương...
Lợi ích cho người trồng rừng
Sau hai năm thực hiện, Chương trình Hỗ trợ Rừng và Trang trại Việt Nam đã tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho các tổ chức sản xuất rừng và trang trại về lợi ích làm việc theo nhóm, kỹ năng kinh doanh thông qua các khóa tập huấn, tham quan trao đổi các tổ chức sản xuất rừng và trang trại có nhiều sự thay đổi rõ rệt.
Hiện nay, họ đã nhận thức được những lợi ích làm việc theo nhóm và hợp tác, có nhiều thông tin thị trường và biết cách đàm phán giá cả, cùng nhau góp vốn đầu tư vào chế biến để gia tăng giá trị và thu nhập từ rừng.
Họ tìm được nhiều công ty và đơn vị thu mua vớ giá cao hơn và chủ động trong trồng và quản lý rừng bền vững.
Hợp tác và đối thoại để nhận sự hỗ trợ từ chính quyền
Thông qua các hoạt động của Chương trình FFF, đặc biệt là hội nghị bàn tròn các cấp, chính quyền cơ sở, cán bộ địa phương, các ban ngành liên quan hiểu về vai trò quan trọng của các hộ, các tổ chức sản xuất rừng và trang trại trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Từ đó, họ quan tâm và hỗ trợ các tổ chức sản xuất rừng và trang trại nhiều hơn trong sản xuất, kinh doanh lập kế hoạch phát triển kinh tế, tạo điều kiện để phối kết hợp các hoạt động của Chương trình FFF với các chương trình, dự án khác tại địa phương như UN- REDD, chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn của chính quyền....
Tính cho tới nay, Chương trình FFF đã huy động được sự tham gia, hỗ trợ 25 chuyên gia từ các Bộ ban ngành, các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ và tư vấn thường xuyên cho FFF và các THT, 23 lãnh đạo, cán bộ chính quyền cơ sở (9 nữ) tham gia vào các hoạt động của FFF như tập huấn, tham quan trao đổi, thảo luận nhóm, hội nghị bàn tròn, các cuộc họp...
Đã có gần 4,5 km đường lâm nghiệp được sửa chữa và làm mới, đã làm giảm chi phí khai thác và vận chuyển của các hộ, các tổ nhóm, 7 chính sách và các vấn đề có liên quan tới thực hiện chính sách đã được Hội Nông dân và các THT rà soát và đề xuất chính quyền cơ sở và các cơ quan có liên quan như chính sách bảo vệ rừng, phát triển rừng sản xuất, tín dụng đối với các hộ trồng rừng, khai thác và hưởng lợi từ rừng, chính sách thuế rừng trồng...
Nâng cao nhận thức về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho các hộ, các tổ chức sản xuất rừng và trang trại cũng được Chương trình FFF rất chú trọng.
Lần đầu tiên Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đề xuất với chính quyền tỉnh và huyện đồng ý ra quyết định cho Hội Nông dân huyện Yên Bình thành lập Hội các hộ chứng chỉ FSC.
Căn cứ vào những vấn đề mà các tổ chức sản xuất rừng và trang trại đưa ra tại hội nghị bàn tròn cấp tỉnh, ở cấp trung ương, Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu tác động của các chính sách tới sản xuất kinh doanh của các hộ, các tổ chức sản xuất rừng và trang trại và tổ chức cuộc hội thảo cấp quốc gia về tác động của các chính sách tới sản xuất kinh doanh của các hộ, các tổ chức sản xuất rừng và trang trại nhằm thảo luận và đề xuất sửa đổi một số chính sách không phù hợp.
Sau Hội thảo chính sách, Hội Nông dân Việt Nam đã gửi các đề xuất, góp ý một số nội dung về sửa đổi luật phát triển và bảo về rừng mới tới Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTTN.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức trong hỗ trợ các hộ, các tổ chức sản xuất rừng và trang trại. Do đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho các tổ chức sản xuất rừng và trang trại về tài nguyên rừng, cùng nhau làm việc, hợp tác trong sản xuất kinh doanh, liên kết với các tác nhân khác trong chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Mỹ Hà