Cánh đồng một giống là cánh đồng sử dụng 1 loại gống cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác của người dân trên quy mô 3 - 5 ha hoặc 20 – 50 ha (tùy điều kiện diện tích đất đai của từng địa phương) áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.
- Hiện nay đã có nhiều địa phương xây dựng thành công mô hình cánh đồng một giống như: Mô hình cánh đồng một giống quy mô 10 ha xã Hợp Thành, TP. Lao Cai sử dụng giống lúa Tân Thịnh 15, năng xuất đạt 44 tạ/ha, thu nhập bình quân đạt 48 triệu đồng/ha cao hơn diện tích sản xuất lúa thường khoảng 15 triệu đồng/ha; Mô hình cánh đồng một giống (trồng hai giống lúa BC15 và Thiên Ưu 8) tại 8 xã, thị trấn của huyện Văn Bàn, tỉnh Lao Cai tổng diện tích là 632 ha, năng suất lúa vượt trội hơn (bình quân năng suất đạt khoảng 60 tạ/ha), giá trị tăng thêm đạt hơn 13 triệu đồng/ha; Mô hình cánh đồng một giống chè tại xóm Cúc Lùng, xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên quy mô 11 ha với 70 hộ tham gia chuyển đổi từ giống chè LDP1 sang giống chè TRI 777 ; Mô hình “5 cùng” đó là cùng thời vụ, cùng loại giống, cùng chăm sóc, cùng phòng trừ sâu bệnh và cùng thu hoạch tại huyện Bắc Quang, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang quy mô 3- 5 ha/cánh đồng đã được được nâng lên 10 ha.
- Tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã triển khai xây dựng mô hình “Cánh đồng một giống, sản xuất lúa Séng cù vụ đông xuân năm 2016-2017”, diện tích 100 ha (Xã Thanh Lương và xã Phù Nham) với 369 hộ tham gia. Mô hình bước đầu đã đạt được những thành công nhất định, năng suất đạt trên 50 tạ/ha, tổng thu nhập đạt 55 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng các loại giống lúa khác khoảng 8 triệu đồng/ha; Tại xã An Thịnh, huyện Văn Yên triển khai mô hình cánh đồng một giống lúa thuần Chiêm Hương quy mô 100 ha, với 868 hộ tham gia, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa đối với loại lúa đặc sản có giá trị kinh tế cao này.
- Hội Nông dân tỉnh Yên Bái khuyến nghị triển khai xây dựng mô hình “Cánh đồng một giống”/mô hình “5 cùng” như sau:
+ Các huyện, thị, thành phố và các xã, phường, thị trấn xác định rõ lợi thế sản xuất nông nghiệp của từng vùng, từng địa phương phù hợp với quy hoạch của huyện, tỉnh tránh làm theo phong trào gây lãng phí, hiệu quả thấp.
+ Chủ động phối hợp với Ngành Nông nghiệp lựa chọn mô hình, loại cây trồng, quy mô xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ sở.
+ Tuyên truyền vận động các hộ nông dân thay đổi tư duy, nhận thức, mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, an toàn, bền vững đáp ứng với nhu cầu thị trường.
+ Ngành Nông nghiệp, Ngành Công thương, chính quyền các cấp cần đồng hành với bà con nông dân trong tìm kiếm thị trường, giới thiệu quảng bá sản phẩm, hàng hóa thông qua các kênh thông tin, tuyên truyền…
- Xây dựng mô hình “Cánh đồng một giống”/mô hình “5 cùng” thành công hay không đòi hỏi sự quyết tâm chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của nhân dân trong việc áp dụng khoa học, kỹ thuật, giống mới vào sản xuất, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất cây trồng.
Ban Kinh tế - Xã hội