Ngày 19/7/2018, Đoàn công tác của Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ do đồng chí Hà Thị Hương - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh làm trưởng đoàn đã thăm, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, tiêu thụ các sản phẩm gà thịt trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Tham gia đoàn công tác có các đồng chí Thường trực, lãnh đạo các ban, đơn vị Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ; lãnh đạo Hội Nông dân huyện Thanh Ba, huyện Cẩm Khê; các thành viên Hợp tác xã chăn nuôi Đỗ Sơn, Tổ hợp tác chăn nuôi gà xã Phú Khê. Đón và làm việc với Đoàn có các đồng chí Thường trực, cán bộ chủ chốt Hội Nông dân tỉnh Yên Bái, lãnh đạo Hội Nông dân huyện Trấn Yên.
Phú Thọ là địa phương có phong trào chăn nuôi gà rất phát triển, đặc biệt là chăn nuôi gà lông màu. Đã hình thành nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh gà lông màu với quy mô lớn. Tuy nhiên, việc chăn nuôi trên quy mô lớn, tập trung cũng khiến các hộ nuôi gặp nhiều khó khăn về đảm bảo môi trường chuồng trại; việc chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật phòng bệnh cũng cần thực hiện nghiêm ngặt hơn. Mặt khác, sự cạnh tranh lớn hiện nay khiến giá tiêu thụ gà có biên độ biến động lớn, gây nhiều rủi ro cho các hộ chăn nuôi.
Tại buổi trao đổi học tập kinh nghiệm giữa các cấp Hội Nông dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi gà của tỉnh Phú Thọ, Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp xã Minh Quán, huyện Trấn Yên, nhiều kiến thức, "bí quyết" trong quản lý, phát triển chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm được chia sẻ.
Đồng chí Hoàng Việt Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực - Hội Nông dân tỉnh Yên Bái giới thiệu cho Đoàn công tác Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ tham quan các mô hình chăn nuôi gà của hội viên, nông dân trên địa bàn xã Minh Quán
Chuồng trại chăn nuôi gà của gia đình anh Nguyễn Tiến Sơn, Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp xã Minh Quán, huyện Trấn Yên
Cũng tại huyện Trấn Yên, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cũng đã triển khai mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà cho các hộ nông dân thị trấn Cổ Phúc có chuồng trại gần khu vực dân cư. Mô hình đạt hiệu quả cao, giảm được mùi hôi, chất thải được thu gom, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra, giảm sử dụng thuốc, kháng sinh, giúp gà sinh trưởng phát triển tốt hơn, bởi gà dùng kháng sinh ngày nào sẽ dừng phát triển ngày đó trong khi vẫn phải tiêu thụ thức ăn.
Việc liên kết, chăn nuôi gà tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Tại xã Minh Quán, với khoảng 30 hộ nuôi, tổng đàn gà lên đến 81.000 con/lứa. Năm 2017, liên kết này đã xuất bán ra thị trường tổng 160.000 con gà, với sản lượng 360 tấn, sau khi trừ chi phí đầu vào cho lãi xuất khoảng 4,5 tỷ đồng. Để tiếp tục phát triển chăn nuôi bền vững, ổn định thị trường, việc làm kết nối các hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi gà của các cấp Hội các địa phương là cần thiết. Hợp tác, liên kết để phát triển và sống chung với những khắc nghiệt của thị trường tạo ra chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất, kinh doanh. Là con đường tất yếu mà các cơ sở, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần nhìn nhận, thay đổi tư duy và chuyển hướng.
Trần Thành
Tin khác