Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, bố mất sớm, người nông dân Cầm Ngọc Minh (Bản Lè 2, Phường Trung Tâm, Thị xã Nghĩa Lộ) sớm phải vừa học, vừa đi làm mộc thuê, tự mình bươn trải cuộc sống mưu sinh.
Sản phẩm truyền thống của gia đình HVND Cầm Ngọc Minh (Bản Lè 2, phường Trung Tâm, Thị xã Nghĩa Lộ)
Sau khi lập gia đình, trách nhiệm trụ cột của người đàn ông trong gia đình đã thôi thúc anh nghĩ cách thoát nghèo. Với bản tính cần cù, ý chí quyết tâm, thêm sự nhạy bén nắm bắt thị trường và lòng yêu thương, gắn bó với đồng bào mình, anh - một chàng trai dân tộc Thái - nhanh chóng định hướng con đường phát triển kinh tế cho bản thân và gia đình.
Dệt thổ cẩm vốn là một nghề truyền thống ở Nghĩa Lộ. Bao đời, nghề trồng bông, dệt vải đã gắn bó với từng gia đình người Thái. Người đồng bào dân tộc Thái đặc biệt chuộng các sản phẩm mang bản sắc dân tộc mà thổ cẩm là phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt và tinh thần của người dân nơi đây. Sống gắn bó với người dân tộc mình từ nhỏ, anh nông dân Cầm Ngọc Minh sớm nhận thấy nhu cầu về sản phẩm thổ cẩm của quê hương mình. Hàng năm và trong các lễ cưới hỏi người dân tộc Thái thường sắm sửa một lượng lớn chăn, ga, gối, đệm thổ cẩm, song đời sống của người dân nơi đây còn cơ cực nên họ vừa cần những sản phẩm mang bản sắc dân tộc mình, vừa phải bền đẹp mà giá cả lại phải chăng. Nghĩ là làm, anh đã biến thách thức thành cơ hội. Anh mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, máy bật bông và các loại máy móc khác, nhập vải sản xuất chăn, ga, gối đệm thổ cẩm. Ban đầu do nguồn vốn hạn chế, gia đình anh chỉ sản xuất quy mô nhỏ chủ yếu phục vụ nhu cầu của bà con trong vùng. Hàng chủ yếu được giao bán cho những cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ ở chợ Mường Lò (Thị xã Nghĩa Lộ). Sau dần sản phẩm của gia đình anh được nhiều người biết đến do chất lượng bền, mẫu mã hợp thị hiếu, giá cả lại phù hợp. Khi sản phẩm của mình bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường, anh bàn với gia đình tìm cách mở rộng quy mô sản xuất. Đúng lúc đó được sự vận động gia nhập vào tổ chức Hội Nông dân thị xã Nghĩa Lộ, anh được tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn, tư vấn phát triển kinh tế, được vay 170 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NN&PTNT huyện. Sự hỗ trợ kịp thời càng giúp anh thêm động lực quyết tâm phát triển sản xuất kinh doanh. Với số vốn được vay, anh thuê thêm nhân công (ban đầu là 02 nhân công sau thuê thêm 05 người), mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc thiết bị. Tiếng lành đồn xa, hiện nay sản phẩm của gia đình anh được nhiều người không những ở thị xã Nghĩa Lộ biết đến mà còn sang cả các huyện, tỉnh lân cận như Văn Chấn, Trạm Tấu, Sơn La,...
Là con người say mê lao động, không để uổng phí chút kinh nghiệm, kiến thức đã được học nào, anh lại suy nghĩ phát triển thêm kinh tế với nghề mộc – nghề trước đây anh có được chút kinh nghiệm khi vừa học vừa làm. Ban đầu, anh nhận làm và sửa nhà sàn truyền thống của người dân tộc Thái. Nay đã quen thị trường, anh thuê thêm 06 nhân công mở rộng thêm sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ cao như bàn ghế, tủ, kệ ti vi,...
Với hai lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, gia đình anh không những thoát nghèo mà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 lao động trong vùng, hàng năm trừ chi phí, gia đình anh thu về trên 700 triệu đồng – một con số đáng ngưỡng mộ.
Với những thành quả đạt được trong sản xuất, kinh doanh, người nông dân dân tộc Thái - Cầm Ngọc Minh - đã trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu được tôn vinh tại Hội nghị sản xuất kinh doanh giỏi được tổ chức vào tháng 3 vừa qua.
Ngân Hà – Ban Tuyên giáo
Tin khác