Với lợi thế khí hậu, đất đai phù hợp, huyện Yên Bình đã chú trọng phát triển cây ăn quả có múi. Đặc biệt, sau 3 năm triển khai Đề án phát triển cây ăn quả của tỉnh, đến nay, huyện Yên Bình tạo ra vùng sản xuất chuyên canh với quy mô hàng nghìn héc- ta.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm mô hình trồng bưởi Diễn của gia đình ông Đặng Văn Nhậy, xã Bạch Hà
Gia đình ông Đặng Văn Nhậy, thôn Ngọn Ngòi, xã Bạch Hà có 0,5 ha vườn tạp và nhiều năm trồng sắn, ngô thu nhập không đáng kể. Năm 2016, thực hiện đề án phát triển cây ăn quả có múi, gia đình ông đăng ký trồng 250 gốc bưởi Diễn trên diện tích này.
Ông Nhậy cho biết: "Tham gia Đề án phát triển cây ăn quả có múi của huyện, gia đình được Nhà nước hỗ trợ 100% giống, phân bón và được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, nên vườn bưởi của gia đình phát triển tốt, đang trong giai đoạn ra hoa. Dự kiến, vào cuối năm nay, bưởi sẽ ra bói lứa quả đầu tiên”. Không riêng gì ông Nhậy, nhiều hộ trong thôn, trong xã cũng đã chuyển đổi diện tích trồng cây ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi. Theo tính toán của các hộ dân, từ năm thứ 3 trở đi, bình quân mỗi cây sẽ cho thu hoạch từ 30 - 50 quả/ năm. Với giá bán hiện nay trung bình 20.000 đồng/quả, mỗi cây sẽ cho thu nhập 600.000 đồng - 1 triệu đồng.
Ông Lại Đức Hạnh - Chủ tịch UBND xã Bạch Hà cho biết: "Căn cứ vào quỹ đất còn lại của các cụm, khu dân cư, xã đã xây dựng nghị quyết phát triển cây ăn quả có múi. Sau đó, cơ quan hữu quan tập huấn kỹ thuật về chăm sóc các loại cây ăn quả có múi cho nhân dân. Tuy nhiên, khi bắt đầu triển khai đề án gặp không ít khó khăn do quỹ đất của nhiều hộ dân không đạt 0,5 ha theo tiêu chí của đề án. Để tháo gỡ khó khăn này, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi đất để các hộ dân liền kề có diện tích đảm bảo để thực hiện đề án. Đến nay, diện tích trồng cây ăn quả có múi ở xã Bạch Hà được gần 100 ha. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động người dân cải tạo đất vườn cây không có giá trị kinh tế để tập trung trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là tập trung phát triển cây ăn quả có múi tại địa phương”.
Từ năm 2016, huyện Yên Bình triển khai đề án phát triển cây ăn quả có múi với mục tiêu đến năm 2020 toàn huyện trồng mới được 1.100 ha cây ăn quả có múi gồm: bưởi Đại Minh 600 ha, bưởi Diễn 400 ha và 100 ha cam các loại. Sau 3 năm triển khai thực hiện đề án, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng chính sách hỗ trợ của tỉnh đã khuyến khích nông dân trồng và phát triển cây ăn quả có múi. Đồng thời, cùng với chính sách hỗ trợ của Đề án huyện Yên Bình đã kết hợp lồng ghép nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135 và nguồn vốn xã hội hóa, huyện đã trồng mới được 666 ha, bằng 60,6% kế hoạch.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lã Tuấn Hưng cho biết: "Việc phát triển cây ăn quả trong thời gian vừa qua là hoàn toàn đúng đắn. Cây trồng này giúp địa phương khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, góp phần thay đổi cơ cấu sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất canh tác. Thời gian tới, bên cạnh mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, huyện Yên Bình tập trung chuyển giao quy trình kỹ thuật giúp người dân nâng cao chất lượng sản phẩm. Dự kiến từ nay đến năm 2020, huyện phấn đấu trồng trên 300 ha cây ăn quả có múi để đạt mục tiêu đề án là 1.100 ha, trong đó, sử dụng các giống hỗ trợ: bưởi Đại Minh, bưởi da xanh, bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc, cam V2, cam Vinh, cam sành, cam đường canh. Qua đó, tạo ra vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, khối lượng sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, bảo đảm tính hiệu quả, bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân”.
Nguồn: Báo Yên Bái