Sau 4 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Kiên Thành, bức tranh nông nghiệp nông dân và nông thôn đã có sự thay đổi căn bản. Đến nay xã đã hình thành được các vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung hàng hóa theo chuỗi giá trị, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân và tiến tới xây dựng thành công xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019.
Nông dân Kiên Thành giàu lên từ cây măng Bát Độ
Với 4 ha rừng, những năm trước đây gia đình anh Hà Xuân Tạo ở thôn Kiên Lao xã Kiên Thành chỉ trồng cây Bồ Đề, giá trị kinh tế của loại cây này thấp nên gia đình anh luôn thuộc diện nghèo của xã. Năm 2003, xã Kiên Thành đưa cây tre Bát Độ vào trồng thay thế những cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế thấp, sau khi được tuyên truyền, từ năm 2004 - 2007, gia đình anh đã chuyển đổi 3 ha rừng sang trồng tre Bát Độ, anh Tạo tâm sự: “Sau trồng 2 năm cây tre đã cho thu hoạch và đến nay thu nhập bình quân của gia đình từ tre Bát Độ đạt 100 triệu đồng/năm, nguồn thu này đã giúp tôi trở thành hộ có thu nhập khá của xã Kiên Thành”.
Từng là một trong những địa phương của huyện Trấn Yên luôn phải nhận gạo cứu đói giáp hạt, thì nay đồng bào các dân tộc xã Kiên Thành đã tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất cây lương thực có hạt, xã đã xây dựng được cánh đồng lúa 1 giống, những cánh đồng còn lại được bà con gieo trồng bằng các giống có năng suất chất lượng cao, điều này góp phần ổn định an ninh lương thực và thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển. Đặc biệt, từ khi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đã giúp xã vùng cao thuộc diện khó khăn này có những “bứt phá” mới trong tận dụng diện tích quỹ đất để nâng cao thu nhập, hiện tại Kiên Thành đã hình thành được 2 vùng sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết mang lại giá trị kinh tế cao, đó là vùng tre Bát Độ, vùng quế với tổng diện tích trên 3.400 ha, từ 2 loại cây trồng này đã cho thu trên 77 tỷ đồng/năm và thúc đẩy các mô hình hợp tác, hợp tác xã, các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng phát triển và giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Trở về thăm thôn Đồng Song những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi chứng kiến sự đổi thay rõ rệt nơi đây, dẫn chúng tôi đi một vòng, anh Triệu Đức Trung trưởng thôn tâm sự: “vài năm trước thôn Đồng Song luôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhưng từ khi người dân biết cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nên nơi đây đã trở thành thôn điển hình của xã trong phát triển kinh tế, chỉ tính riêng trong năm 2018, thu nhập từ cây quế và tre Bát Độ đã được trên 7 tỷ đồng, chính vì thế nhiều nhà xây cao tầng thi nhau mọc lên, khu trung tâm thôn như một khu đô thị thu nhỏ, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/năm và thôn đang phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo cuối năm nay sẽ còn 5%”.
Cùng với thế mạnh của ngành trồng trọt, chăn nuôi của Kiên Thành những năm gần đây phát triển nhanh theo hướng chăn nuôi hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường. Người dân đã chuyển đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông sang hình thức chăn nuôi tập trung theo hướng gia trại, điều này góp phần hạn chế được dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế và giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi. Ông Hoàng Văn Lịch - Thôn Đồng Cát khẳng định: “2 năm trở lại đây, Kiên Thành phát triển nhanh các trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô hàng nghìn con gia cầm, hàng chục, thậm trí hàng trăm con lợn. Việc chăn nuôi tập trung đã giúp các hộ dân quản lý được dịch bệnh, vật nuôi nhanh lớn do được áp dụng KHKT vào chăn nuôi, vì vậy thu nhập của nông dân đã tăng cao. Đặc biệt vấn đề ô nhiễm môi trường luôn được đảm bảo, bởi các hộ đã áp dụng bể bioga, đệm lót sinh học”.
Nhờ tập trung triển khai các biện pháp trong công tác chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại xã Kiên Thành bước đầu đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân. Tuy nhiên người nông dân vẫn còn có băn khoăn bởi các sản phẩm nông sản của bà con xuất bán đều là sản phẩm thô nên giá trị kinh tế chưa cao. Vì vậy, người dân Kiên Thành rất mong muốn có doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng cơ sở chế biến - tiêu thụ sản phẩm ngay tại địa phương để chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang tính bền vững và chất lượng. Giải đáp những vấn đề băn khoăn của người dân, Ông Hoàng Văn Đà - Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thành cho rằng: “UBND xã đã làm việc với một số doanh nghiệp đến khảo sát vùng nguyên liệu và được các doanh nghiệp đánh giá cao, nhưng hiện tại các thủ tục đầu tư vẫn đang chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư đến xây dựng nhà máy chế biến những mặt hàng nông sản có thế mạnh của địa phương nhằm nâng cao giá trị và để người dân yên tâm đầu tư cho vùng nguyên liệu”.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại Kiên Thành phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đã và đang tạo bước chuyển biến tích cực trong việc nâng cao nhận thức, trình độ của người nông dân ở Kiên Thành. Qua đó, không những góp phần khai thác tiềm năng về đất đai, lao động mà còn thúc đẩy quá trình chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất, tạo sự chuyển biến về mặt xã hội trong cộng đồng dân cư, sắp xếp lại lao động nông nghiệp, từng bước hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa có chất lượng cao cung cấp cho thị trường, đồng thời giúp Kiên Thành xây dựng xã nông thôn mới theo đúng lộ trình đề ra./.
Theo Trang TTĐT huyện Trấn Yên
Tin khác