• Loading...
 
Tổng kết chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại Việt Nam giai đoạn I (2015 - 2017)
27/10/2017 7:53:00 CH

Ngày 26-27/10/2017 tại Hà Nội, Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) Trung ương tổ chức tổng kết giai đoạn I, báo cáo các kết quả đạt được, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận đề xuất các giải pháp, ý tưởng để tiếp tục Chương trình FFF tại Việt Nam. Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) thuộc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc lựa chọn Hội Nông dân Việt Nam là đối tác thực hiện và triển khai tại Việt Nam từ năm 2015. Chương trình được đồng thời tổ chức tại 10 nước thuộc Châu Phi và Châu Á.

Tham dự Hội thảo, về phía Hội Nông dân Việt Nam có đồng chí Lều Vũ Điều - Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội; đồng chí Nguyễn Xuân Định - Trưởng ban Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội, Giám đốc Ban quản lý FFF Trung ương Hội cùng các đồng chí trong Ban Quản lý FFF Trung ương. Về phía Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc có ông Jong Ha Bea - Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam; bà Sophie Grouwels - điều phối viên Chương trình FFF khu vực; ông Mario Acunzo - cán bộ truyền thông của FAO. Đại diện các tổ chức Phi chính phủ tài trợ cho Chương trình: IUCN, IIED; các tổ chức Phi chính phủ trong lĩnh vực Nông lâm nghiệp tại Việt Nam như ADDA, IFAD, Recoftc, WWF, FFI... Tham dự Hội thảo còn có đại diện các bộ, ban, ngành; các ban, đơn vị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Các đại biểu của 4 tỉnh tham gia Chương trình: Yên Bái, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ. Đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái tham dự Hội thảo có đồng chí Hoàng Hữu Độ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng Ban Quản lý FFF tỉnh Yên Bái; đồng chí Kiều Tư Giang - Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh; các đồng chí thúc đẩy viên; lãnh đạo UBND xã Đào Thịnh, xã Phú Thịnh; lãnh đạo hợp tác xã Bình Minh, Quế Hồi Việt Nam; lãnh đạo tổ hợp tác thôn Hợp Thịnh, Đồng Tâm - xã Phú Thịnh, tổ hợp tác xã Tân Đồng.

Đồng chí Lều Vũ Điều - Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam - đồng chí Lều Vũ Điều khẳng định: Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) của FAO triển tại Việt Nam đã được các cấp Hội Nông dân tích cực triển khai và đạt được các mục tiêu đề ra của chương trình. Các hộ nông dân trồng rừng tại địa bàn dự án của tỉnh Yên Bái, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ cải thiện được sinh kế và tự ra quyết định trên diện tích rừng và trang trại của họ; tham gia vào các hình thức kinh tế tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã; nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh xây dựng được các chuỗi liên kết, nâng cấp các chuỗi giá trị nông lâm nghiệp. Các cấp Hội cũng đã đúc kết kinh nghiệm chia sẻ tại các diễn đàn trong nước và quốc tế và tham gia đề xuất bổ sung chính sách hỗ trợ cho người nông dân trồng rừng. Đồng chí cũng mong muốn các đại biểu tham dự hội thảo tích cực thảo luận, đưa ra ý tưởng, chia sẻ các kinh nghiệm để đề xuất với Chương trình FFF/FAO tiếp tục triển khai tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thay mặt Ban Quản lý Chương trình FFF Trung ương, đồng chí Vũ Lê Y Voan - Phó Ban Hợp tác Quốc tế, Phó Giám đốc Chương trình báo cáo các kết quả giai đoạn I (2015-2017). Sau 3 năm, Chương trình đã thu được những kết quả đáng khích lệ, gần 2.000 hộ nông dân trồng rừng và cán bộ các cấp Hội đã được hưởng lợi từ chương trình, thu nhập của các hộ cũng đã tăng lên đáng kể từ 5-20%. Nếu như trước đây, các hộ nông dân đa phần sản xuất nhỏ lẻ, một số hình thành nhóm hộ liên kết lỏng lẻo, không có quy chế hoạt động, quy chế tài chính và đều chưa đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã theo Nghị định 151. Những sản phẩm của họ làm ra như gỗ keo, gỗ mỡ, quế vỏ, hoa hồi... tất cả đều phải bán qua thương lái thì tới năm 2016 đã có 9 tổ hợp tác được thành lập và đăng ký, trong đó 3 tổ hợp tác đã đầu tư chế biến gỗ xẻ thanh, gỗ bóc. Tới năm 2017, đã nâng lên thành 14 tổ hợp tác, trong số đó đã có 2 tổ hợp tác nâng cấp thành 2 hợp tác xã; phát triển thành 5 tổ hợp tác/hợp tác xã có đầu tư chế biến tham gia sâu vào chuỗi giá trị, trực tiếp đàm phán và bán sản phẩm cho các doanh nghiệp lớn; làm mới, mở rộng hơn 20km đường lâm nghiệp. Các tổ hợp tác, hợp tác xã đều có kỹ năng quản lý tổ chức, có tiếng nói với chính quyền địa phương. 

Tiêu biểu như hợp tác xã Bình Minh ở xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình (Yên Bái) có 18 thành viên, sản xuất 60 ha rừng keo, xưởng xẻ rộng 1000m2 với 10 máy xẻ đạt tiêu chuẩn xưởng CoC (hợp tác với Công ty TNHH Công nghiêp Hòa Phát) sản xuất 1000m3/tháng. Hay hợp tác xã Quế Hồi Việt Nam tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) với 85 ha quế, đang tiến hành xây dựng văn phòng, nhà xưởng với diện tích 20.000m2 (hợp tác với Công ty Quế Hồi Việt Nam). Từ khó khăn, tổ hợp tác Mạy Phấy, xã Chu Hương, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) với 18 thành viên cùng nhau phát triển đã đầu tư xưởng gỗ bóc, cung cấp cho thị trường 30m3/tháng. Tổ hợp tác sản xuất rừng và chăn nuôi Khuổi Cóong, xã Chu Hương, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) gồm có 14 thành viên tham gia trồng chè theo tiêu chuẩn VietGap. Hợp tác xã gà đồi Đông Thịnh, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) có 20 thành viên tham gia chăn nuôi khoảng 200.000 con gà dưới tán rừng/năm theo quy trình VietGap và làm thủ tục xây dựng cơ sở giết mổ, cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp và siêu thị.

Đồng chí Hoàng Hữu Độ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng Ban Quản lý Chương trình FFF tỉnh Yên Bái phát biểu tại Hội thảo

Được đánh giá là tỉnh triển khai thành công nhất của Chương trình, đồng chí Hoàng Hữu Độ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng Ban Quản lý FFF tỉnh Yên Bái báo cáo kết quả triển khai tại Yên Bái. Ban Quản lý FFF tỉnh đã triển khai tốt 3 hợp phần của Chương trình đó là: 1. Nâng cao năng lực cho các tổ chức sản xuất rừng về kỹ năng kinh doanh và tham gia vận động chính sách; 2. Tạo các diễn đàn đa ngành, đối thoại với chính quyền, các ngành về phát triển rừng và trang trại bền vững; 3. Chia sẻ kinh nghiệm với khu vực và quốc tế. Từ các hoạt động đào tạo, tham quan, nâng cao năng lực, tổ chức hội nghị bàn tròn được hỗ trợ bởi Ban Quản lý FFF Trung ương cùng với triển khai 05 dự án nhỏ do tỉnh đề xuất. Tỉnh Yên Bái đã có nhiều kết quả nổi bật, rõ nét: năm 2016, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân huyện Yên Bình phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tổ chức khảo sát, tuyên truyền, vận động các hộ nông dân trồng rừng tham gia chứng chỉ rừng bền vững FSC. Kết quả đã thành lập 31 nhóm hộ, 494 hộ tại 05 xã. Đồng thời, liên kết với Công ty Cổ phần lâm sản Nam Định mời chuyên gia quốc tế đánh giá cấp chứng chỉ FSC cho 1737,5 ha.Tháng 6/2017, Chương trình hỗ trợ thành lập Hợp tác xã Bình Minh, liên kết với công ty TNHH Công nghiệp Hòa Phát xây dựng xưởng xẻ tiêu chuẩn, có chứng chỉ CoC để tiêu thụ gỗ FSC trên địa bàn huyện. Tại xã Đào Thịnh – huyện Trấn Yên, Chương trình hỗ trợ hợp tác xã Quế Hồi Việt Nam liên kết với Công ty Vinasamex đang triển khai dự án sản xuất và xuất khẩu quế hữu cơ theo chuỗi giá trị với tổng mức đầu tư 48 tỷ đồng. Tháng 9/2017, hợp tác xã đã đón đoàn đánh giá quốc tế về chứng chỉ Quế hữu cơ. Với mục tiêu có 150 ha quế đạt tiêu chuẩn quế hữu cơ trong năm 2017, 500 ha quế hữu cơ trong năm 2018, sẽ tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 100 lao động tại địa phương. Chương trình tại Yên Bái với hơn 1.000 hộ được hưởng lợi (02 hợp tác xã, 27 tổ hợp tác, 31 nhóm trồng rừng). Qua đánh giá, thu nhập các hộ nông dân tăng thêm bình quân 5% thông qua gỗ có chứng chỉ FSC, đa dạng hóa các sản phẩm dưới tán rừng. Các hợp tác xã gắn với chế biến, thu nhập các hộ tham gia tăng 10 ~ 20%. Năng lực sản xuất nông lâm nghiệp bền vững của người dân trực tiếp gắn với rừng được nâng cao.

Các báo cáo đã đúc kết nhiều kinh nghiệm, đưa nhiều đề xuất không những có ích trong triển khai Chương trình trong thời gian tới mà còn là bài học thực tiễn để áp dụng vào nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế tập thể, tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp của các cấp Hội. Một số kinh nghiệm được đưa ra như: Nông dân không niềm tin, không hợp tác, không có THT/HTX, không có sự thay đổi; Sản xuất không gắn với chế biến, kinh doanh là không bền vững, hiệu quả không cao; Các cấp Hội có vai trò quan trọng trong việc gắn kết, điều phối, phối hợp với các bên liên quan, huy động nguồn lực, tư vấn, hỗ trợ các THT/HTX; Sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương tác động lớn tới sự phát triển của các THT/HTX; Xác định cách thức tiếp cận hợp lý (theo chuỗi sản phẩm, chậm nhưng chắc, cùng tham gia, tự chủ, bền vững…); Tạo sự tự chủ cho nông dân tự quyết định những vấn đề liên quan sản xuất kinh doanh của họ. Từ những kinh nghiệm đó, đã xác định được nhiều giải pháp, đề xuất như: tiếp tục hỗ trợ các THT/HTX triển khai các hoạt động để củng cố, phát triển bền vững (quản lý rừng bền vững theo FSC, Quế hữu cơ, VietGap; đa dạng hóa thu nhập và gia tăng giá trị từ rừng: trồng cây gỗ lớn, cây ăn quả, cây dược liệu, nuôi ong, các sản phẩm kết hợp), đồng thời hỗ trợ phát triển các THT/HTX mới; Hỗ trợ xây dựng mạng lưới liên kết, hợp tác giữa các THT/HTX; Đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các THT/HTX với các bên liên quan, nhất là với doanh nghiệp; Nâng cao năng lực tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh cho các THT/HTX; Nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ của Hội Nông dân: xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, cung ứng vật tư đầu vào, tiếp cận tín dụng, marketing sản phẩm; Nâng cao năng lực tham gia xây dựng, giám sát, phản biện chính sách của Hội Nông dân và hội viên nông dân; Tăng cường công tác truyền thông về quản lý, khai thác, phát triển rừng gắn với trang trại bền vững; Tăng cường sự phối hợp, hợp tác với các đối tác, cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp để hỗ trợ các THT/HTX...

Bà Sophie Grouwels - điều phối khu vực của Chương trình FFF đánh giá cao kết quả tại Việt Nam

Các đại biểu thảo luận nhóm, thảo luận tại Hội thảo

Kết quả chương trình đã nhận được đánh giá tốt từ phía Chương trình FFF và nhiều ý kiến thảo luận từ các tổ chức Phi chính phủ: ADDA, FFI, Trung tâm vì con người và rừng (Recoftc), Tổ chức bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN); các cơ quan của Việt Nam: Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp, Viện khoa học lâm nghiệp, Viện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng... Các đại biểu đều đánh giá cao kết quả đạt được của Chương trình trong một khoảng thời gian ngắn đối với một dự án cộng đồng, 3 năm của giai đoạn 1 (2015-2017). Trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị Chương trình tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển các mô hình bước đầu đạt hiệu quả, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh lớn hơn, hiệu quả hơn; nhân rộng ra các địa phương khác một cách cẩn trọng. Tiếp tục đầu tư vào con người, nâng cao năng lực, xây dựng các mô hình từ nhu cầu của người dân. Đẩy mạnh công tác truyền thông lợi ích của kinh tế tập thể từ các minh chứng, mô hình thành công. Thực hiện cách tiếp cận có sự tham gia, tham vấn người dân, để họ tự quyết định trên lĩnh vực nông lâm nghiệp của mình. Tăng cường hợp tác hơn nữa giữa chính quyền, các ngành và các tổ chức liên quan đề hỗ trợ người nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, gia tăng thu nhập từ rừng.

Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Lều Vũ Điều – Phó chủ tịch Thương trực Trung ương Hội thay mặt lãnh đạo Trung ương Hội cảm ơn ông Jong Ha Bea – Trưởng đại diện của FAO tại Việt Nam, bà Sophie Grouwels – điều phối khu vực của Chương trình FFF đã lựa chọn Hội Nông dân làm đối tác triển khai Chương trình tại Việt Nam. Đồng thời cảm ơn các đại biểu đã tham dự và cho ý kiến thảo luận tại Hội thảo. Tới đây, Trung ương Hội sẽ tiếp tục làm tốt công tác xây dựng hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã triển khai các hoạt động để củng cố, phát triển bền vững; nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ của Hội thông qua việc kết nối xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, cung ứng vật tư đầu vào, tiếp cận tín dụng, quảng bá sản phẩm; đẩy mạnh truyền thông về quản lý, khai thác, phát triển rừng gắn với trang trại bền vững. Đồng chí bày tỏ hy vọng sẽ được tiếp tục đồng hành, hợp tác cùng Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại cũng như các tổ chức chính phủ, phi chính phủ nước ngoài trong lĩnh vực hỗ trợ nông dân, phát triển nông lâm nghiệp.

Đồng chí Lều Vũ Điều - PCT Thường trực Trung ương Hội tặng quà lưu niệm cho ông Mario Acunzo - cán bộ truyền thông của FAO

Trần Thành

VĂN BẢN HỘI

Quyết định số 19/2024/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về Ban hành Quy định quy trình luân chuyển hỗ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Nghị quyết số 98/2024/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên bái ngày 24/10/2024 về Quy định chế độ ưu đãi miễn tiền thuê đất đối với các dự án sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư ( ngành, nghề ưu đãi đầu tư) hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Quyết định số 17/2024/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ngày 15/10/2024 về Ban hành quy định về bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Nghị định số 141/2024/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/10/2024 Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người ( HIV/AIDS)

Quyết định số 16/2024/QĐ-UBND ngày 15/10/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Thông tư số 73/2024/TT-BTC ngày 21/10/2024 của Bộ tài chính , về Quy định mức thu , miễn, chế độ thu , nộp lệ phí cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước

Công văn số 393-CV/HNDT ngày 16/10/2024 V/v điều tra dư luận xã hội về công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Công văn số 392-CV/HNDT ngày 16/10/2024 V/v triển khai Cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiển nội dung cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019”

THƯ VIỆN ẢNH

      

Thư viện Video