Vụ xuân năm 2019, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Chấn triển khai mô hình điểm thực hiện phương pháp cấy lúa bằng máy trên diện tích 7.500 m2 tại 2 thôn: Thiên Bữu, xã Thượng Bằng La và thôn Thác Hoa 1, xã Sơn Thịnh. Kết quả của mô hình sẽ là cơ sở để huyện áp dụng cấy máy trên diện rộng, góp phần đưa nông nghiệp Văn Chấn đến gần hơn với cuộc cách mạng 4.0.
Người dân xã Thượng Bằng La thực hành cấy lúa bằng máy cho vụ xuân năm 2019
Từ mùng 5 tết, cùng với nhân dân trên địa bàn huyện, 6 hộ dân ở 2 thôn Thiên Bữu, xã Thượng Bằng La và 1 hộ thôn Thác Hoa 1, xã Sơn Thịnh đã xuống đồng cấy lúa xuân. Khác với mọi năm, 7 hộ dân này không còn phải trực tiếp lội ruộng mà được thay thế bằng máy với công suất đạt từ 800 đến 1.000 m2/giờ, nhanh hơn gấp chục lần so với thủ công.
Ông Hoàng Văn Nghị ở thôn Thiên Bữu, xã Thượng Bằng La cho biết: "Ban đầu, nghe nói cấy bằng máy, gia đình chúng tôi cũng lo lắng lắm. Sợ rằng, phương pháp mới không phù hợp, lúa không phát triển, năng suất kém thì vụ này lấy đâu ra thóc mà ăn. Nhưng rồi được tập huấn kỹ thuật, tôi nhận ra rằng, cấy máy hay cấy bằng tay thì các công đoạn vẫn tương tự nhau và chỉ khác ở công đoạn cấy, chúng tôi không phải trực tiếp làm mà có máy móc làm thay. Đến giờ, nhìn đồng ruộng cấy thẳng hàng, cây nào cây nấy đều đang trổ thêm nhánh, gia đình mừng lắm".
Còn ông Đinh Văn Mong ở thôn Thác Hoa 1, xã Sơn Thịnh phấn khởi chia sẻ: "Cấy bằng máy nhanh lắm. Trong khi thửa ruộng bên cạnh mới cấy được hơn nửa sào thì hơn 2.000 m2 ruộng nhà tôi đã cấy xong rồi. Máy cũng dễ vận hành, dễ di chuyển từ ruộng này sang ruộng khác. Đặc biệt, ai cũng có thể sử dụng được vì máy rất nhẹ nên khi kéo trên ruộng không bị lầy thụt và ruộng sâu máy vẫn hoạt động bình thường mà không bị chìm. Vì thế, độ sâu cấy luôn ổn định, cây lúa không bị nghẹn rễ. Thêm vào đó, phương pháp làm mạ để cấy cũng khá đơn giản, dễ thực hiện".
Được biết, từ vụ xuân năm 2019, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Chấn được huyện đầu tư 2 máy cấy hiệu 4H-ĐC22. Đây là máy cấy sử dụng động cơ điện một chiều 12V, không có khí thải, không gây ô nhiễm môi trường.
Thêm vào đó, vì sử dụng động cơ điện nên giảm chi phí phát sinh tới mức tối thiểu; trung bình chi phí điện để cấy xong 1.000 m2 chỉ khoảng 150 - 200 đồng. Các thao tác kỹ thuật để sử dụng máy cũng khá đơn giản từ khâu làm khung mạ, chăm sóc mạ cho đến di chuyển và sử dụng máy.
Đối với máy cấy động cơ điện, cách làm mạ tương tự như phương pháp truyền thống nhưng được gieo trong khung sắt chữ nhật (làm bằng sắt hộp có độ dày 2cm) với diện tích khoảng 1,5m2 có đổ bùn với độ dày từ 1,6 đến 2 cm. Trong khung sắt này sẽ rải đều khoảng 1,1 - 1,3 kg thóc đã ngâm ủ, dùng miếng xốp ấn nhẹ cho mầm chìm xuống bùn để mạ bén rễ ngay và mọc đều chắc gốc.
Sau đó, dùng dao tách phần bùn ra khỏi khung, tiếp tục gieo khuôn kế tiếp. Sau 1 đến 2 ngày, có thể dùng khuôn cắt mạ để tạo ra hình miếng mạ vừa với khoang chứa mạ của máy và tiếp tục chăm sóc cho đến khi mạ có độ cao từ 12 cm - 14 cm là đủ điều kiện mang mạ ra ruộng cấy.
Mô hình thành công sẽ trở thành cơ sở để nhân rộng phương pháp này trong vụ mùa năm 2019. Việc đưa máy cấy vào đồng ruộng mở ra hướng sản xuất mới với sự tham gia của cơ giới hóa nên công lao động giảm bớt, chi phí đầu vào giảm, năng suất tăng. Bởi vậy, lợi nhuận cũng sẽ tăng, đó là điều mà mọi người nông dân đang hướng tới và mong đợi.
Nguồn: Báo Yên Bái