Xã Hồng Ca (Trấn Yên) có 13 thôn thì có tới 6 thôn đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc Mông chiếm 35%, dân tộc Tày chiếm 52%. Với những nỗ lực chung và sự đồng lòng của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, mới đây Hồng Ca đã trở thành xã cuối cùng của huyện cán đích nông thôn mới (NTM).
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao quyết định công nhận xã Hồng Ca đạt chuẩn nông thôn mới.
Xác định xây dựng NTM là một cuộc "cách mạng” đổi mới về nhận thức, tư duy trong cách nghĩ, cách làm từ sản xuất manh mún đi lên sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa và thị trường. Do vậy, Hồng Ca không làm theo phong trào mà trong quá trình triển khai thực hiện được tiến hành bài bản, có trước, có sau, có lý, có tình, được nhân dân đồng thuận cao.
Thực hiện xây dựng NTM ngay từ mỗi gia đình, từ gia đình người Mông, người Tày, người Kinh rồi từ thôn, bản lên xã. Trong suốt quá trình triển khai, xã luôn lấy người dân làm chủ thể, bởi mục tiêu cuối cùng của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Song song với đó, xã tập trung phát triển một số loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh, thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển. Đã quy hoạch và phát triển một số loại cây trồng, vật nuôi thành vùng sản xuất hàng hóa như: vùng tre măng Bát độ với diện tích trên 1.000 ha, vùng trồng quế gần 2.000 ha, trồng dâu nuôi tằm với diện tích dâu gần 10 ha, trên 80 ha cây ăn quả có múi, vùng trồng cây nguyên liệu gỗ trên 1.000 ha.
Trong chăn nuôi, đã chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa tập trung quy mô lớn, chú trọng chăn nuôi đại gia súc.
Song song với phát triển vùng nguyên liệu, xã tập trung chỉ đạo đổi mới tổ chức sản xuất, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác làm đầu mối liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân theo chuỗi giá trị.
Với lợi thế diện tích rừng trồng cây nguyên liệu lớn, xã đã tạo điều kiện, khuyến khích các hộ đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng nhằm tạo công ăn, việc làm và nâng cao giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng trên địa bàn.
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và huyện, xã đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất vườn tạp, đất đồi gò thấp từ những loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi.
Đến nay, toàn xã có 86 ha cây ăn quả có múi, sản lượng hàng năm đạt trên 200 tấn quả, cho thu nhập từ 200 - 220 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ trên địa bàn xã.
Trong chăn nuôi, phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc, đến nay toàn xã có 790 con trâu, 75 con bò, gần 3.000 con lợn và trên 29.000 con gia cầm… sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm đạt trên 300 tấn.
Với 8.000 ha đất lâm nghiệp xã thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ nghiêm ngặt đối với diện tích rừng tự nhiên phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế lũ quét và sạt lở đất do thiên tai gây ra.
Đối với diện tích rừng trồng sản xuất, đã tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển trồng quế với diện tích gần 2.000 ha, sản lượng vỏ quế khô hàng năm đạt trên 200 tấn; trồng tre măng Bát độ với diện tích trên 1.000 ha, sản lượng măng vỏ tươi hàng năm đạt trên 15.000 tấn.
Khuôn Bổ là thôn khó khăn nhất, với 78 hộ dân, trên 420 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống nay cũng có những bước phát triển mạnh mẽ. Bà con đã biết cải tạo vườn tạp, trồng tre măng, trồng quế, trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Đến nay, toàn thôn có gần 70 ha tre măng Bát độ hàng hóa; trên 150 ha quế và hàng chục héc-ta cây ăn quả có múi mang lại giá trị kinh tế cao. Nhờ vậy, cuộc sống người dân được nâng lên rõ rệt, vài năm về trước cả thôn có quá nửa hộ đói, hộ nghèo thì nay thu nhập bình quân đã đạt 33 triệu đồng/người/năm, không còn hộ đói, hộ nghèo giảm còn chưa đầy 10%.
Song hành với phát triển kinh tế là phát triển hạ tầng nông thôn, trong 9 năm qua tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn đạt 170.716 triệu đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp trên 16.510 triệu đồng, chiếm 9,67%. Đến nay mạng lưới giao thông, công trình thủy lợi cơ bản đáp ứng cho sản xuất và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể nói, phong trào xây dựng NTM xã vùng cao Hồng Ca đã góp phần làm cho kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa và thị trường mang lại hiệu quả cao, cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt là nền tảng quan trọng để xã tiếp tục nâng cao các tiêu chí trong xây dựng NTM.
Theo YBĐT
http://www.baoyenbai.com.vn/12/185300/Hong_Ca_chuyen_minh.aspx