• Loading...
 
Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
28/06/2019 12:00:00 SA

Nhằm tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc và 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 23/9/1994 của Ban Bí thư khóa VII về một số công tác ở vùng dân tộc Mông, sáng nay (27.6), tại Hòa Bình, Trung ương Hội NDVN tổ chức Hội thảo “Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” 

 Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Tham dự Hội thảo có Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng; Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, Phó trưởng Ban chỉ đạo Đỗ Văn Chiến; Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh; các Phó Chủ tịch Hội NDVN Phạm Tiến Nam, Đinh Khắc Đính, Bùi Thị Thơm cùng đại diện các bộ, ban, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: Hội thảo nhằm đánh giá tình hình, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện của Hội trong thời gian qua; phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đề xuất giải pháp thiết thực hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh khẳng định: Đây là dịp để Trung ương và các tỉnh, thành phố đại diện cụm thi đua cả nước và các tỉnh miền núi phía Bắc đánh giá kết quả đã đạt được trong những năm qua; xác định nội dung trọng tâm trong công tác chỉ đạo, phối hợp, tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi những năm tiếp theo. Đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm trong tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ chung và của từng địa phương. Đây là cơ hội để tỉnh Hòa Bình trao đổi, học tập được nhiều điều bổ ích.
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, Phó trưởng Ban chỉ đạo Đỗ Văn Chiến đánh giá cao Hội NDVN đã tổ chức Hội thảo. Hiện có trên 92% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp. Theo Bộ trưởng, làm sao để đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được từ nghề rừng, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, hương liệu; chăn nuôi đại gia súc, gia cầm; du lịch sinh thái gắn với văn hóa đặc sắc của các dân tộc, thì công cuộc xóa đói giảm nghèo mới thành công.

Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ thêm 3 nội dung: Quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị của Ban Bí thư ở các cấp Hội có thực chất không? Kết quả đạt được đã tương xứng với đòi hỏi thực tiễn chưa; những nội dung bức xúc nhất mà đồng bào dân tộc thiểu số (hội viên của Hội) hiện đang gặp phải là gì; đề xuất các giải pháp (có tính hiến kế) để Ban Chỉ đạo báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương nhằm giảm dần khoảng cách phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với các vùng khác.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX), gắn với Kết luận số 57-KL/TW, ngày 03/11/2009 của Bộ Chính trị về “Công tác dân tộc”, Hội NDVN đã triển khai Dự án “Phát triển cộng đồng các dân tộc ít người ở miền Bắc Việt Nam” được thực hiện từ năm 2006 - 2014 tại 6 tỉnh: Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An và Hà Tĩnh. Dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn” từ năm 2011 - 2018; Quỹ Hỗ trợ nông dân đồng hành cùng nông dân trực tiếp hỗ trợ vốn giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất kinh doanh. Đến nay doanh số cho vay đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt gần 2.100 tỷ đồng, với gần 100.000 lượt hộ được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư phát triển kinh tế, giúp họ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống...


 

Các đại biểu tập trung thảo luận các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

 

Sau 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 23/9/1994 của Ban Bí thư (khóa VII), gắn với Kết luận số 64-KL/TW của Ban Bí thư về một số công tác ở vùng dân tộc Mông, các cấp Hội đã triển khai thực hiện có kết quả nhiều dự án mô hình, tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống. Trong đó, chủ yếu là mô hình chăn nuôi gia súc như: Mô hình “nuôi ngựa thương phẩm”, “Dê cái sinh sản”, “Bò sinh sản”, “Chăn nuôi lợn đen giống bản địa”, “trồng cây Chanh leo”, “trồng cây Hồng giòn không hạt”... tại các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An..; Qua thực hiện các dự án, nhiều hộ đã có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, điển hình như: Hộ ông Sùng A Khua (bản Đề Sủa, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) với mô hình trồng trọt + chăn nuôi, cho thu nhập 400 triệu đồng/năm; Hộ ông Cứ A Chứ (bản Háng Á, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) với mô hình trồng trọt, cho thu nhập 350 triệu đồng/năm.
Phó Chủ tịch Hội ND Quảng Bình Nguyễn Nam Long cho biết: Đồng bào Rục, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa được biết đến là tộc người có tập quán rất lạc hậu, đồng bào lấy vỏ cây làm khố che thân, săn, bắt, hái lượm, lấy cây nhúc, củ rừng làm nguồn lương thực chủ yếu để sinh sống; quen sống nơi hang sâu, gốc cây thay cho nhà ở. Hội Nông dân xã Thượng Hóa đã tổ chức tập hợp, tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia sinh hoạt Hội, tạo điều kiện về sinh kế để hội viên là đồng bào nhanh chóng thoát nghèo, tiếp nhận và xây dựng đời sống văn hóa mới. Đồng thời, Hội Nông dân xã tích cực phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội ủy thác cho 138 hộ hội viên, nông dân vay vốn trên 3,9 tỉ đồng để phát triển sản xuất. Đồng thời, tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn các hộ nghèo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay. Tiêu biểu trong số các hộ đồng bào sản xuất, kinh doanh giỏi có anh Trần Xuân Tư, trồng 7ha rừng keo tràm, chăn nuôi gần 100 lợn rừng, 20 con trâu bò; hộ anh Trần Xuân Trực: trồng rừng, nuôi cá và làm lúa nước…

Giáo sư Tiến sỹ Đỗ Quang Hưng-Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ: Qua thực tiễn đã khẳng định tính liên đới Nhà nước với Hội, Hội với kinh tế thị trường, do vậy cần tăng cường, thúc đẩy liên kết “6 nhà”.

Phó Chủ tịch Hội NDVN Phạm Tiến Nam tham quan các gian hàng sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình bên lề Hội thảo

Bế mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng khẳng định: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24, cộng đồng 54 dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh được đảm bảo... Tuy nhiên còn nhiều khó khăn, tồn tại như: Chênh lệch mức sống ngày càng lớn, thiên tai liên tục diễn ra, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 52% tổng số hộ nghèo cả nước, 94,2% lao động trên 15 tuổi chưa qua đào tạo; tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định kinh tế, xã hội,… đòi hỏi Hội ND phải phối hợp với Chính phủ, chính quyền tích cực tập trung giải quyết cho đồng bào.
Chủ tịch khẳng định “Trên cơ sở định hướng đúng đắn của Đảng và Bác Hồ với tư tưởng bình đẳng, đoàn kết, tương trợ vừa là mục tiêu, động lực, vừa là tiên đề, hệ quả của sự phát triển, trong đó bình đẳng là cơ sở”, Hội cần phối hợp với Chính phủ tiếp tục đầu tư, hỗ trợ đối với Đảng bộ, chính quyền, MTTQ; đoàn thể và đồng bào các dân tộc ở miền núi phát triển vượt qua được 5 khó khăn nhất hiện nay mà Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc đã phát biểu.

Để Hội NDVN phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt và giai cấp nông dân phát huy vai trò chủ thể thực sự trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc và miền núi, Đảng đoàn, Ban Thường vụ sẽ nghiên cứu tiếp thu những đề xuất, kiến nghị của các đồng chí tại Hội thảo.

Về phương hướng xây dựng chính sách, thay mặt Hội NDVN, Chủ tịch Thào Xuân Sùng đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ lựa chọn các đột phá chiến lược sau:

Một là, đầu tư hoàn thành, hoàn thiện hệ thống đường giao thông, điện lưới quốc gia, nước tưới tiêu và nước sinh hoạt.

Hai là, xây dựng đề án bảo vệ và phát triển rừng theo hướng “rừng là của nông dân, do nông dân, vì nông dân, nông dân sống bằng rừng và gắn bó với rừng”, để thực hiện thắng lợi chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh theo các Quyết định số 1393 và 403 của Thủ tướng Chính phủ.

Ba là, xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển bộ giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu và bộ con giống gia súc, gia cầm bản địa ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng đa dạng sinh học và đảm bảo môi trường.

Bốn là, xây dựng đề án đẩy mạnh dạy nghề cho lao động nông thôn và lao động nông nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực tự chủ của đồng bào dân tộc.

Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số theo hướng bố trí xen kẽ với cán bộ người dân tộc Kinh và phù hợp với đặc điểm dân tộc của mỗi địa phương tỉnh, huyện, xã, đảm bảo “dân tộc nào có cán bộ của dân tộc ấy” như lời Bác Hồ đã dạy.

Theo Cổng ĐT Hội NDVN

 

VĂN BẢN HỘI

Quyết định số 7618-QĐ/HNDTW ngày 03/10/2023 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Quyết định công nhận Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Yên Bái khoá X, nhiệm kỳ 2023-2028

Quyết định số 7617-QĐ/HNDTW ngày 03/10/2023 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Quyết định công nhận Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Yên Bái khoá X, nhiệm kỳ 2023-2028

Quyết định 1212/QĐ-UBND ngày 11/7/2023 về việc ban hành Quy chế văn hoá công vụ trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 30/6/2023 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2024-2029

Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới

Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 – 2029

Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Luật số 11/2022/QH15 ngày 14/11/2022 của Quốc hội về Luật thanh tra

THƯ VIỆN ẢNH

      

Thư viện Video